Thứ Bảy, 13 tháng 8, 2016

Những quy tắc phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu

- Phân loại hàng hóa là công việc cần thiết và gắn liền với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp thương mại, là công việc thường xuyên, trực tiếp đối với người thực hiện nghiệp vụ kinh doanh xuất nhập khẩu, với ngành Hải quan, môi trường và các chính sách khác liên quan, nó tác động đến nền kinh tế theo nhiều góc độ. Vì thế, phân loại hàng hóa phải rõ ràng, chính xác. Vấn đề đáng phải quan tâm và giảm thiểu trong công tác phân loại hàng hóa là phân loại sai, chậm trễ hoặc phân loại không thống nhất trong nội bộ một quốc gia bởi vì nó ảnh hưởng đến thương mại, đầu tư và thống kê. Chính vì thế các chuyên đề đào tạo xuất nhập khẩu về vần đề phân loại hàng hóa là vấn đề cần thiết hiện nay, mà các cơ sở đào tạo cần phải quan tâm tới.

- Đối với thương mại, nếu phân loại khác nhau giữa các sản phẩm có phương pháp gia công khác nhau sẽ dẫn đến việc cùng một sản phẩm có các mức thuế suất khác nhau. Điều này khiến cho việc kinh doanh của doanh nghiệp không ổn định, người xuất khẩu và người nhập khẩu không thể tính toán các chi phí kinh doanh do phải chi khoản tiền vô hình cho khoản thời gian chờ đợi khiếu nại và vì thế không thể tính được giá bán hay giá mua khi ký kết hợp đồng thương mại. Hiển nhiên, họ hầu như không thể chắc chắn về khả năng thanh toán. Đôi khi khoản tiền lớn mà các đại lý hay người bán dự định dành cho khuyến mãi giảm giá bán phải hủy bỏ vì người nhập khẩu gặp khó khăn trong giảm giá hàng, hoặc kế hoạch cải tiến sản phẩm bị hạn chế vì gặp rủi ro do chi phí cho nguyên liệu hay máy móc tăng.

- Trường hợp trả lời khiếu nại phân loại chậm trễ, người nhập khẩu phải mất thời gian dài thông quan hàng. Do đó, người sản xuất có thể phải đối mặt với sự khủng hoảng do kế hoạch bán hàng và sản xuất bị phá vỡ, đặc biệt đúng vào thời gian sản xuất lại không có nguyên liệu dự trữ. Thông quan chậm cũng sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch cải tiến sản phẩm, ảnh hưởng đến đầu tư.
Trường hợp phân loại sai hàng hóa sẽ dẫn đến mức thuế suất cao, làm nản lòng các nhà đầu tư, đặc biệt nhà đầu tư ở các nước đang phát triển. Thuế suất cao có thể làm cho chi phí lao động thấp tại các nước đang phát triển trở nên vô hiệu, doanh nghiệp không thể xây dựng kế hoạch sản xuất do không dự trù được chi phí đầu tư. Thêm vào đó, ngay cả nếu phân loại chỉ để thống kê thương mại thì cũng sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Số liệu thống kê sai sẽ dẫn đến sai lầm trong hoạch định chiến lược kinh tế của Chính phủ và các nhà quản lý kinh tế.
- Do đó, để công tác phân loại phát huy hiệu quả cao nhất thì người làm công tác xuất nhập khẩu nhất thiết phải được đào tạo về phân loại hàng hóa và am hiểu HS, có kiến thức sâu về thương mại, có kiến thức về thương phẩm học và khả năng phân tích, thực hiện đúng các quy định của 6 quy tắc phân loại hàng hóa như sau:
+ Quy tắc 1: Tiêu đề của phần, chương hoặc các phân chương được đưa ra chỉ nhằm mục đích hướng dẫn (tiện tra cứu). Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa phải được xác định theo nội dung mô tả của từng nhóm và các chú giải của các phần, chương, chú giải nhóm liên quan và nếu các nhóm hoặc các chú giải không có quy định nào khác thì phân loại theo các quy tắc tiếp theo.
+ Quy tắc 2: Chia làm 2 phần:
* Quy tắc 2(a): Bất kỳ một mặt hàng nào được phân loại trong một nhóm thì mặt hàng đó ở các dạng sau cũng được phân loại trong nhóm đó: Dạng chưa hoàn chỉnh hoặc chưa hoàn thiện nhưng đã mang đặc trưng cơ bản của hàng hóa ở dạng hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện. Và dạng hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện (hoặc sẽ được phân loại như một mặt hàng hoàn chỉnh hoặc hoàn thiện theo quy tắc này), nhưng chưa được lắp ráp hoặc đã tháo rời.
* Quy tắc 2(b): Hỗn hợp và hợp chất của các nguyên liệu hoặc các chất. Nếu một vật liệu hoặc một chất được phân loại trong một nhóm thì hỗn hợp hay hợp chất của các vật liệu hoặc chất đó cũng được phân loại trong nhóm đó. Hàng hóa được làm toàn bộ hay một phần bằng một loại vật liệu hoặc một chất thì được phân loại cùng trong một nhóm. Việc phân loại hàng hóa làm bằng hai vật liệu hay hai chất trở lên, tương ứng với hai hay nhiều nhóm khác nhau sẽ phải tuân thủ theo quy tắc 3.
+ Quy tắc 3: Khi áp dụng quy tắc 2 (b) hoặc vì bất kỳ lý do nào khác, hàng hóa thoạt nhìn có thể phân loại vào hai hay nhiều nhóm thì sẽ phân loại như sau:
* Quy tắc 3a:  Hàng  hóa được phân loại vào nhóm có mô tả cụ thể, mang tính đặc trưng cơ bản nhất sẽ phù hợp hơn xếp vào nhóm có mô tả khái quát.
* Quy tắc 3b: Những hàng hóa hỗn hợp bao gồm nhiều nguyên liệu khác nhau, hàng hóa làm từ nhiều bộ phận cấu thành khác nhau và những hàng hóa ở dạng bộ để bán lẻ, nếu không phân loại được theo quy tắc 3 (a) thì phân loại theo nguyên liệu hoặc bộ phận cấu thành tạo ra đặc tính cơ bản của chúng.
* Quy tắc 3c: Khi hàng hóa không thể phân loại theo quy tắc 3 (a) hoặc 3 (b) nêu trên thì phân loại vào nhóm cuối cùng theo thứ tự đánh số trong số các nhóm tương đương được xem xét.
+ Quy tắc 4: Khi hàng hóa không thể phân loại được theo quy tắc trên thì phải được xếp vào nhóm phù hợp với loại hàng hóa giống chúng nhất.
+ Quy tắc 5: Quy tắc này áp dụng cho việc phân loại các bao bì được sử dụng lâu dài và các loại bao bì đóng gói hay chứa đựng hàng hóa. Quy tắc này gồm hai quy tắc 5 (a) và 5 (b):
* Quy tắc 5 (a): áp dụng cho việc phân loại bao bì chứa đựng hàng hóa, được phân loại cùng với hàng nó chứa đựng nếu:Thích hợp riêng hoặc có hình dạng đặc biệt để đựng một loại hoặc bộ hàng xác định. Phù hợp để sử dụng lâu dài (được thiết kế để có độ bền tương ứng với hàng hóa nó chứa đựng); Được đi kèm cùng với hàng hóa nó chứa đựng, hàng hóa này có thể được gói riêng hoặc không để thuận tiện cho việc vận chuyển; Bao bì thường được bán với hàng hóa mà nó chứa đựng; Không mang tính chất cơ bản của bộ hàng hóa.
* Quy tắc 5 (b): bao bì chứa đựng hàng hóa được phân loại riêng biệt với hàng hóa đó nếu được sử dụng lặp đi lặp lại nhiều lần.
+ Quy tắc 6: Để đảm bảo tính pháp lý, việc phân loại hàng hóa vào các phân nhóm của một nhóm phải được xác định phù hợp theo nội dung của từng phân nhóm, các chú giải phân nhóm có liên quan và các quy tắc trên với những sửa đổi chi tiết cho phù hợp, trong điều kiện là chỉ có những phân nhóm cùng cấp độ mới so sánh được. Theo quy tắc này thì chú giải phần và chương có liên quan cũng được áp dụng, trừ khi nội dung mô tả trong phân nhóm có những yêu cầu khác.








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét