Thứ Hai, 27 tháng 6, 2016

Thuận lợi và khó khăn khi học môn nguyên lý kế toán

Nhờ có những kiến thức nền tảng về khoa học kế toán thông qua quá trình học môn Nguyên lý kế toán, sinh viên đã có được những thuận lợi trong việc nghiên cứu các chuẩn mực kế toán. Tuy nhiên, do sự hiểu biết còn hạn chế và kiến thức mới chỉ dừng lại ở sự hiểu biết cơ bản, những khó khăn đặt ra cho sinh viên trong việc nghiên cứu các chuẩn mực kế toán cũng không hề ít.

1. Thuận lợi của sinh viên
- Thứ nhất:
khi học Nguyên lý kế toán, sinh viên sẽ nhận thức được các quy định mang tính chuyên môn về kế toán như những khái niệm, các nguyên tắc kế toán; nắm bắt được những quy tắc cơ bản, những quy định có tính mực thước về phương pháp hạch toán, đánh giá, thuyết minh và trình bày thông tin, số liệu trên báo cáo tài chính. Dễ thấy nội dung giáo trình Nguyên lý kế toán được biên soạn rất đầy đủ các khái niệm, các nguyên tắc nền tảng trong kế toán; các quy tắc, quy định căn bản trong kế toán. Đồng thời, trong quá trình giảng dạy, giáo viên luôn lồng ghép các ví dụ thực tế để sinh viên hiểu sâu rộng hơn và có cái nhìn cụ thể về từng đối tượng, từng nghiệp vụ kế toán. Ví dụ, khái niệm và điều kiện ghi nhận các yếu tố của Báo cáo tài chính được học trong bộ môn Nguyên lý kế toán đã cung cấp cho sinh viên cái nhìn khái quát về tiêu chuẩn ghi nhận một yếu tố sẽ nằm ở phần nào trong Báo cáo tài chính; các nguyên tắc kế toán, phương pháp kế toán cung cấp cho sinh viên cách trình bày thông tin, số liệu trên Báo cáo tài chính… Cụ thể hơn, các khái niệm, nguyên tắc kế toán được cung cấp cho sinh viên giúp sinh viên cảm thấy dễ hiểu hơn khi đọc chuẩn mực số 01: Chuẩn mực chung. Như vậy, nhờ những nhận thức mà sinh viên có được trong quá trình học môn Nguyên lý kế toán, sinh viên có thể nắm bắt và hiểu được những nội dung cơ bản trong các chuẩn mực kế toán một cách chủ động hơn.
- Thứ hai: sinh viên có điều kiện để có thể vận dụng sự xét đoán của mình khi nghiên cứu chuẩn mực kế toán. Với những kiến thức cơ bản được cung cấp, sinh viên có khả năng khái quát hoá để có cái nhìn rộng và bao quát, qua đó có thể hiểu và vận dụng các nguyên tắc kế toán trong việc lý giải các tình huống, nghiệp vụ kinh tế cụ thể. Chẳng hạn như các xét đoán về CMKT số 02: Hàng tồn kho, CMKT số 03: Tài sản cố định hữu hình, CMKT số 04: Tài sản cố định vô hình… Lấy một ví dụ cụ thể: chuẩn mực kế toán số 03: Tài sản cố định hữu hình. Môn học Nguyên lý kế toán đã cung cấp cho sinh viên khái niệm và điều kiện ghi nhận tài sản, giáo viên giảng dạy cũng chỉ ra tài sản cố định phải có thời gian sử dụng trên 1 năm. Như vậy, sinh viên đã có thể bước đầu nhận ra thế nào là tài sản cố định hữu hình, đối tượng kế toán nào được ghi nhận là tài sản cố định hữu hình. Phương pháp tính giá cung cấp cho sinh viên cách xác định giá trị tài sản cố định hữu hình. Các phương pháp khấu hao tài sản cố định; việc bán lại hay thanh lý TSCĐHH có tác động đến hao mòn TSCĐHH như thế nào; cách ghi nhận TSCĐHH trên Bảng Cân đối kế toán… giúp cho sinh viên có thể tư duy về nguyên tắc và phương pháp kế toán được áp dụng cho đối tượng kế toán là TSCĐHH. Qua đó, sinh viên có thể có những sự hiểu biết căn bản về nội dung của chuẩn mực số 03.
- Thứ ba: trong quá trình học Nguyên lý kế toán, sinh viên có thể nhận biết được tính khuôn mẫu các vấn đề liên quan đến thu nhận, xử lý, trình bày và cung cấp thông tin kế toán. Và từ đó có thể liên hệ với chuẩn mực kế toán cũng có những chuẩn mực kế toán liên quan như khuôn mẫu.
- Thứ tư: sinh viên là những người trẻ tuổi, có khả năng học hỏi và tiếp thu kiến thức một cách nhanh chóng. Hơn nữa, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển như hiện nay, sinh viên có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tài liệu về hệ thống chuẩn mực kế toán được cập nhật mới nhất để bổ sung kiến thức. Trong quá trình tìm hiểu, đứng trước sự lựa chọn của hàng chục chuẩn mực kế toán, sinh viên có cơ hội chọn lựa chuẩn mực mà bản thân nghĩ rằng mình có thể hiểu được nhiều nhất để đọc dựa vào vốn kiến thức đã có. Hơn nữa, có rất nhiều bài báo, trang mạng sẵn có phân tích kĩ càng từng chuẩn mực giúp cho sinh viên tìm hiểu được cặn kẽ, tiếp thu được những điều mà tác giả các bài viết muốn nói nhanh chóng khi đã có đầy đủ các kiến thức nền cần thiết mà môn học Nguyên lý kế toán đã cung cấp.
2. Khó khăn cu sinh viên
- Thứ nhất:
sự lười biếng và thụ động trong học tập. Theo kinh nghiệm bản thân, tác giả nhận ra rằng điều quan trọng nhất đối với việc nghiên cứu là ý thức tự giác của sinh viên trong quá trình học tập. Bất kể khi gặp một vấn đề nào còn chưa rõ hay có liên quan đến các chuẩn mực kế toán, sinh viên cần ghi lại rồi tìm hiểu. Trong khi học Nguyên lý kế toán, có những thuật ngữ, khái niệm gây khó hiểu thì sinh viên cần chủ động liên hệ với các chuẩn mực kế toán để hiểu rõ hơn. Ví dụ như khi học về doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, sinh viên cần tham khảo thêm chuẩn mực số 14: Doanh thu và thu nhập khác, để hiểu rõ hơn về doanh thu và điều kiện ghi nhận doanh thu… Tuy nhiên, thực tế rất ít sinh viên quan tâm đến vấn đề đó mà chấp nhận cách hiểu mơ hồ đủ để làm được bài tập và trả lời được các câu hỏi trong phạm vi bài giảng. Thậm chí còn có nhiều sinh viên không cả quan tâm đến việc hiểu mà chấp nhận cách học là thuộc vẹt. Thực trạng trên là do sinh viên chưa nhận thức được đầy đủ tầm quan trọng của việc nghiên cứu hệ thống chuẩn mực kế toán mà sinh viên phần nhiều đi học để phục vụ cho việc thi cử hết môn học trước mắt, nên những thứ không thi thì không cần thiết phải học.
- Thứ hai: nguồn tài liệu được cung cấp trên thư viện trường học còn hạn chế. Việc nghiên cứu các chuẩn mực kế toán cũng gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu nguồn tài liệu tham khảo chính thống là các sách tham khảo ở thư viện trường học. Ngoài ra, nhiều sách chưa kịp cập nhật các thay đổi trong quy định về chuẩn mực kế toán. Nhiều đầu sách khá bổ ích nhưng lại không phổ biến không được sinh viên biết đến.
- Thứ ba: những thuật ngữ trừu tượng không rõ nghĩa bắt gặp phải trong quá trình nghiên cứu các chuẩn mực kế toán khiến sinh viên năm thứ hai rơi vào tình trạng lúng túng, khó hiểu. Kết quả là không thể vận dụng vào vào học tập một cách thông thạo.
- Thứ tư: các chuẩn mực kế toán không đề cập chi tiết mọi khía cạnh trong mọi nghiệp vụ giao dịch gây ra sự khó khăn cho sinh viên trong việc vận dụng vào giải quyết các vấn đề.

Trên đây là những thuận lợi và khó khăn trong việc nghiên cứu hệ thống chuẩn mực kế toán đối với sinh viên khi học môn học cơ sở Nguyên lý kế toán. Trong quá trình học tập và nghiên cứu về hệ thống chuẩn mực, chúng ta có thể xem xét, vận dụng và phát huy những điều kiện thuận lợi; đồng thời nắm bắt được các khó khăn gặp phải để tìm ra phương hướng khắc phục chúng nhằm tăng cường tính hiệu quả trong học tập và nghiên cứu. Vì là môn học tiền đề khi bước vào ngành kế toán, sinh viên cần học thật kỹ về môn này, ngoài những kiến thức lý thuyết do nhà trường cung cấp, các bạn sinh viên cần tìm những trung tâm uy tín để học môn này để có thể biết cách áp dụng những tài khoản và chuẩn mực hợp lý vào công việc. Và TRUNG TÂM TVĐT KINH TẾ TOÀN CẦU (GEC - website: gec.edu.vn) là nơi lựa chọn phù hợp cho bạn, với chương trình dạy do TRƯỜNG ĐH KINH TẾ TP.HCM thiết kế và do giảng viên của trường đứng ra giảng dạy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét